Tìm hiểu về công nghệ màn hình OLED
1. Công nghệ OLED là gì?
OLED là gì: OLED là một biến thể của công nghệ LED dành cho Ti vi, điện thoại và máy ảnh,… Ưu điểm của công nghệ OLED là chất lượng hình ảnh cao hơn, ít hao tổn điện năng và có tốc độ phản ứng nhanh hơn các Tivi LED thông thường. Tuy nhiên, nhược điểm của công nghệ OLED là giá thành của các sản phẩm sử dụng công nghệ OLED khá đắt, đặc biệt là Tivi, và hiện nay, dòng Tivi OLED chỉ được sản xuất chủ yếu bởi hãng LG.
OLED viết tắt của Organic Light-Emiting Diode tức là các diode hữu cơ phát quang. Tivi OLED là tivi sử dụng tấm nền có các diode hữu cơ phát quang này, bản thân mỗi điểm ảnh sẽ tự phát sáng và bật tắt một cách độc lập khi có dòng điện chạy qua mà không cần đèn.
Tivi OLED do đó sẽ khác với tivi LED ở chỗ, tivi LED thì cần phải có đèn nền LED phát sáng trên màn hình. Hoặc tivi Plasma trước đây thì cần dùng đèn UV để đốt cháy phốt pho tạo ra các màu sắc cơ bản. OLED thì khác, OLED không cần loại đèn nào cả.
2. Ưu - Nhược điểm của tivi OLED
Ưu điểm của tivi OLED:
- Tivi cực kỳ mỏng: Do cấu trúc tivi không cần đèn nền nên tivi OLED sẽ giảm thiểu được nhiều vật liệu trên tấm nền và giúp tivi mỏng hơn. Đó là lý do tivi OLED luôn mỏng hơn tivi LED, và "ngôi vị" tivi mỏng nhất thế giới thì luôn rơi vào tay tivi OLED. Chẳng hạn, tại CES 2017 vừa qua, LG đã có ra mắt một chiếc tivi OLED siêu mỏng (chỉ 2.57 mm) dán tường khiến người dùng kinh ngạc.
- Dễ uốn cong: Cũng do không hề có đèn nền mà chỉ dùng một tấm nền hữu cơ, nên tivi OLED được xem là phù hợp để uống cong hơn so với tivi LED.
- Hình ảnh có độ chi tiết cao, màu sắc phong phú và chuẩn xác: Điểm ảnh trên tivi tự bật/tắt độc lập, mỗi điểm ảnh đảm nhiệm một vai trò khác nhau do đó tivi sẽ có khả năng hiển thị màu cực kì tốt, hình ảnh có độ sâu ấn tượng.
- Độ tương phản cao và màu đen tuyệt đối: Tivi LED sử dụng đèn nền chiếu sáng phía sau nên cho dù nhà sản xuất đã sử dụng các công nghệ làm mờ cục bộ đi chăng nữa thì cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn hiện tượng hở sáng từ các đèn nền khác, đo đó khi hiển thị màu đen cũng không thể đen tuyền 100% được. Trong khi đó, tivi OLED dùng điểm ảnh tự phát sáng độc lập, khi không cần thì sẽ tắt hoàn toàn do đó tạo ra màu đen tuyệt đối trên tivi.
- Hiển thị hình ảnh chuyển động cực kì mượt mà: Tivi OLED có các điểm ảnh siêu nhỏ luôn bật/tắt liên tục một cách độc lập, do đó sẽ có thời gian đáp ứng rất cao. Như vậy, tivi sẽ có khả năng hiển thị các cảnh chuyển động rất mượt.
- Tiết kiệm điện: OLED không cần đèn chiếu mà bản thân tự phát sáng nên tất nhiên sẽ tiết kiệm điện hơn so với màn hình LED.
Nhược điểm của tivi OLED:
- Giá thành cao: Tivi OLED có chi phí sản xuất cao, nên tất nhiên giá sản phẩm bán ra thị trường cũng cao (thường có giá trên 40 triệu cho đến hàng trăm triệu). Do đó, tivi OLED luôn nằm trong phân khúc cao cấp. Hi vọng trong thời gian tới, nhà sản xuất sẽ tối ưu quy trình và tìm được cách giảm chi phí để tivi OLED dễ tiếp cận người dùng hơn.
- Chưa đa dạng về mẫu mã: Số lượng tivi OLED trên thị trường hiện nay còn khá ít, và chỉ có ở phân khúc tivi trên 50 inch. Do đó mẫu mã tivi còn khá ít, lại thêm giá cao nên người dùng hiện tại sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong quá trình lựa chọn.
3. TV OLED của Samsung và TV OLED của LG có giống nhau không ?
Tất nhiên là không, Ti vi Samsung sử dụng công nghệ mang tên “Super OLED” trong khi LG sử dụng công nghệ OLED có cái tên khó nhớ hơn là “4-Colour Pixels and Colour Refiner”. LG sử dụng công nghệ OLED có thêm một điểm màu thứ 4 – màu trắng – vào các màu cơ bản – đỏ, xanh lá và xanh dương, nhưng công nghệ này cũng cần có bộ lọc màu. Trong khi đó, Samsung khẳng định rằng công nghệ Super OLED của họ không dùng bộ lọc màu và vì thế "cao cấp" hơn công nghệ OLED của LG.
4. TV OLED có giá khoảng bao nhiêu ?
Đây chính là điểm yếu của dòng Tivi OLED. Các mẫu Tivi OLED có giá rất cao. Các Tivi OLED mới nhất hiện nay có giá không hề rẻ, khoảng trên 90 triệu cho tới hơn 150 triệu. Ngay cả các mẫu Tivi OLED đời cũ hơn cũng có giá khoảng từ 40 triệu trở lên. Bởi vì không có hãng sản xuất nào trên thị trường Tivi OLED, vì vậy LG có thể thống lĩnh thị trường một cách dễ dàng (và không hề có chủ ý).
Tuy nhiên, khi một công ty nào đó bắt đầu vượt lên thì các công ty khác sẽ nhanh chóng bắt kịp. Giá của Tivi OLED sẽ giảm một khi các nhà sản xuất có thể giải quyết các khó khăn khi sản xuất và nguồn cung của các sản phẩm sử dụng công nghệ này sẽ tăng nhanh.
5. Tương lai của công nghệ OLED sẽ đi tới đâu ?
Bạn đừng ngạc nhiên khi có nhiều hãng công nghệ bắt đầu tập trung hơn vào Tivi OLED. Samsung và Sony là những hãng đầu tiên sử dụng công nghệ này vào các Tivi của họ nhưng chỉ khi LG bước vào cuộc chơi thì công nghệ này mới bắt đầu khởi sắc.
Từ năm 2016 trở về trước, khi nhắc đến tivi OLED người dùng gần như chỉ biết đến tivi OLED LG. Tuy nhiên sang năm 2017, LG có lẽ phải dè chừng, khi mà 2 ông lớn Sony và Panasonic cũng đã tham gia vào cuộc đua này, bằng việc ra mắt tivi OLED của mình tại CES 2017 vừa qua. Đây cũng là một cơ hội để giúp thị trường tivi OLED có những chuyển biến mới trong năm nay, để người dùng dễ dàng chọn mua hơn